Universal Genève Quay Lại Dưới Bàn Tay Sáng Tạo Của Breitling: Những Chiếc Chronograph Đỉnh Cao Có Quay Trở Lại?

Breitling vừa công bố thông tin mua lại thương hiệu đồng hồ trăm năm tuổi Universal Genève từ tay của một quỹ đầu tư đến từ Hong Kong. Thành lập từ năm 1894, đến thập niên 1970, Universal Genève thuộc sở hữu của Bulova. Nhưng tới năm 1989, sau khi không còn khả năng chịu đựng áp lực và không thể thay đổi bản thân đủ nhanh và mạnh trước cơn bão đồng hồ quartz chạy pin giá rẻ của Nhật Bản, Universal Genève từ chỗ là một công ty tư nhân đã phải bán mình cho Stelux Holdings của Hong Kong. Tới giờ, Universal Genève vẫn ra mắt những chiếc đồng hồ mới, dù rằng những chiếc như Okeanos hay Anthea không thể tạo ra được tác động tích cực tới thị trường.

Breitling-Universal-Geneve-4-1536x1239.jpg

Nhưng lịch sử của Universal Genève, nhất là trước khi bán mình cho Bulova và sau này là quỹ đầu tư Hong Kong, cùng những chiếc đồng hồ cổ của họ vẫn là thứ khiến nhiều người chơi đồng hồ ghi nhớ và săn tìm. Thập niên 1930, họ cho ra mắt những chiếc như Compur hay Aero Compax phục vụ cho quân nhân.

Anh em hẳn cũng từng có lần nghe tới những chiếc đồng hồ bấm giờ hai và ba ô số phụ của Universal Genève, Uni-Compax hay Tri-Compax. Và tới tận thời điểm này, những chiếc Universal Genève cổ vẫn có chỗ đứng rất vững chắc trên thị trường.

UniversalGeneveSAS-1.jpg


Năm 1954, Universal Genève giới thiệu chiếc Polarouter do thiên tài Gerald Genta thiết kế, về sau đổi tên thành Polerouter. Một năm sau đó, họ giới thiệu bộ máy cơ lên cót tự động với búa lên cót dạng micro rotor, nhỏ xíu, chỉ nằm ở một góc chứ không choán hết mặt lưng bộ máy cơ. Micro rotor lên cót tự động về sau trở thành thương hiệu của Universal Genève.

Cũng chính họ là một trong những cái tên đầu tiên ở Thuỵ Sỹ đón nhận cái mới, ứng dụng công nghệ máy quartz trong thập niên 1970. Nhưng đương nhiên, khi tập trung vào chất lượng hoàn thiện từ bàn tay của những nghệ nhân, thì không thể nào so sánh và cạnh tranh được với hiệu quả và sản lượng của các hãng đồng hồ đến từ châu Á.

Đó là lúc chúng ta trở về thời điểm hiện tại. Thông cáo báo chí của Breitling khi công bố mua lại Universal Genève ghi mục tiêu của thương vụ này là “để khôi phục uy tín của một trong những cái tên đáng kính nhất trong ngành đồng hồ xa xỉ.” Khá chắc là Breitling sẽ để Universal Genève tự hoạt động tách biệt với thương hiệu còn lại, vì hãy thẳng thắn với nhau, thứ có giá trị nhất trong thương vụ mua lại Universal Genève chính là cái tên có tuổi đời gần 130 năm.

Universal-Geneve-Golden-Shadow-1973-Amsterdam-Watch-Company.jpeg

Tuyên bố của Breitling cũng có đoạn, mục tiêu của thương vụ sẽ được thực hiện trong vòng nhiều năm, tức là dần dần, Universal Genève sẽ trở lại thị trường với những sản phẩm đủ sức cạnh tranh với những cái tên nổi tiếng và được yêu mến nhất trên thị trường đồng hồ xa xỉ. Breitling vẽ ra kế hoạch rất rõ ràng. Họ không cần Universal Genève để chiếm thêm một phần miếng bánh thị phần entry level tầm giá từ 2000 đến 2500 USD. Mà Universal Genève sẽ được đặt ở phân khúc cao hơn cả Breitling, tức là từ 10 nghìn đến 15 nghìn USD.

Định hướng này trái ngược hoàn toàn so với cách Tudor được tạo ra. Hans Wilsdorf thành lập Tudor năm 1926, với logo hình chiếc khiên được giới thiệu vào năm 1936, với mục tiêu “chiếc khiên bảo vệ vương miện”. Vương miện là gì hẳn anh em cũng đoán ra rồi. Tudor được tạo ra để người tiêu dùng có những lựa chọn giá rẻ, cùng lúc để bảo vệ Rolex trước những thương hiệu muốn tạo ra những chiếc đồng hồ “tốt hơn nhưng rẻ hơn” Rolex, nói cách khác là không đẩy Rolex vào cuộc chiến cạnh tranh giá được.

Còn định hướng của Breitling với Universal Genève là tấn công thị trường đồng hồ xa xỉ, thứ mà giá trị của thương hiệu Breitling không làm được, còn bề dày lịch sử của Universal Genève thì có khả năng.

Breitling-Universal-Geneve-5.jpg
Ở đó là những cái tên thực sự tạo ra sức hút cao hơn rất nhiều so với Breitling: Jaeger-LeCoultre, Breguet, Vacheron Constantin, hay thậm chí đôi khi còn có vài chiếc ở tầm giá “entry” từ Patek Philippe và A. Lange & Sohne nữa cơ. Để cạnh tranh với những cái tên như thế này, quan trọng nhất là Universal Genève không được lấy bất kỳ thứ gì từ Breitling, nếu không sẽ bị gán mác “nhai lại”, với những chiếc đồng hồ bán giá cao nhưng không có giá trị tương xứng. Họ cần phải tự tạo ra những bộ máy cơ mới hoàn toàn, thậm chí phát triển và sản xuất in-house thì mới thuyết phục được khách hàng ở tầm giá ấy.

Bước kế tiếp sẽ là tận dụng giá trị của thương hiệu, của những cái tên được săn đón trong quá khứ: Tri-Compax, Polerouter hay Aero Compax. Và để làm được tất cả những điều kể trên, Universal Genève mất một đến hai năm là chuyện rất dễ hiểu.

Mà thậm chí, phong cách thiết kế cứ giữ chất cổ điển như 70, 80 năm về trước, Universal Genève vẫn đẹp:

127678887-675945009746741-6688133308433334174-n.jpg

Nhưng có một điều cực kỳ rõ ràng, những người chịu trách nhiệm hồi sinh Universal Genève đang nắm giữ một nhiệm vụ vừa quan trọng lại vừa khó khăn. Cũng may là, với bản sắc và lịch sử của mình, thậm chí còn lâu đời hơn cả Universal Genève, Breitling hiểu rất rõ cách tận dụng giá trị thương hiệu cũng như tầm quan trọng của công nghệ, để tạo ra những chiếc đồng hồ phù hợp với thị hiếu của thời điểm hiện tại, nhưng vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử vô giá mà nhiều người muốn có khi đặt chiếc đồng hồ của họ lên cổ tay.

Một điều may mắn nữa, đó là những người ở Breitling, đặc biệt là CEO Georges Kern hoàn toàn đủ kinh nghiệm để hồi sinh một thương hiệu lâu đời. Năm 2017, ông Kern cùng đồng sự đã bắt đầu làm việc ở Breitling, và kế hoạch được vạch ra vào năm 2018. Kết quả của kế hoạch đó, doanh thu của Breitling tăng từ hơn 400 triệu USD lên gần gấp đôi, khoảng 940 triệu USD, và đưa Breitling vào danh sách top 10 nhà sản xuất đồng hồ danh tiếng nhất Thuỵ Sỹ xét trên khía cạnh doanh thu.
You have successfully subscribed!
This email has been registered