Đầu năm 2023 đến giờ, thế giới đồng hồ titanium có những chiếc nào đáng chú ý?

Điện thoại khung titanium đến tận năm 2023 mới trở nên phổ biến với sự hiện diện của iPhone 15 Pro. Còn ở thế giới đồng hồ, chất liệu siêu nhẹ, độ bền cao hơn thép và nhôm, chống rỉ, đã vậy còn có khả năng giảm thiểu tối đa khả năng gây ra dị ứng da thì đã được ứng dụng từ hơn nửa thế kỷ trước. Chính xác là năm 1970, chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên ứng dụng hợp kim titanium là của người Nhật Bản: Citizen X8 Titanium Chronometer.

Năm nay tính ra số lượng những chiếc đồng hồ cơ ứng dụng hợp kim titanium, cả Grade 5 (hợp kim giữa titanium, nhôm và vanadium) với Grade 2 (titanium nguyên chất) có cảm giác nhiều hơn cả năm ngoái. Và đáng chú ý hơn cả, đến Rolex giờ cũng có chiếc đầu tiên bán thương mại ứng dụng hợp kim titanium.

tinhte-dongho1.jpg

Đó là chiếc Yacht-Master 42, cả dây bracelet lẫn case đồng hồ đều làm từ loại vật liệu có độ bền cao này. Bản mẫu đồng hồ Rolex làm bằng titanium thì đã có từ mấy năm trước, khi ngài Ben Ainslie đeo chiếc Yacht-Master độc nhất vô nhị mà Rolex làm ra cho anh. Đến cuối năm ngoái, chiếc Rolex titanium đầu tiên được thương mại hóa, chiếc Deep Sea Challenge với khả năng kháng nước ở độ sâu tối đa… 11.000 mét. Yacht-Master 42 vừa được giới thiệu cũng mới là chiếc thứ hai được chế tác bằng chất liệu mà Rolex gọi là RLX Titanium.

tinhte-dongho2.jpg

Cùng thời điểm Yacht-Master 42 được giới thiệu tại sự kiện Watches & Wonders 2023 hồi tháng 3, Bvlgari cũng cho ra mắt một chiếc nhìn rất điệu và hiện đại, cũng là case titanium nhưng mạ DLC đen matte. Thiết kế này không quá mới mẻ, nhưng màu sắc thì đỡ cổ điển hơn rất nhiều. Case titanium mạ DLC đen nhám kích thước 44mm kết hợp với tông màu xanh lá của mặt số nhìn khá mới lạ, nhất là khi kết hợp với cách chúng ta xem giờ trên chiếc này. Ô chỉ giờ nằm im ở góc 12h, còn hai kim phút thì lần lượt chạy xung quanh mặt số bán nguyệt với những vạch từ 00 đến 60. Ở chính giữa là lồng thoát tourbillon, tạo ra điểm nhấn phức tạp thu hút ánh nhìn của mọi người.

tinhte-dongho3.jpg
tinhte-dongho4.jpg

Những người Nhật Bản cũng không kém cạnh. Máy móc và lạnh lùng hơn là chiếc đồng hồ lặn mới nhất của Grand Seiko, SLGA023, lặn sâu 200 mét, máy Spring Drive 9RA5 lên cót tự động, trữ cót liên tục 5 ngày. Nó được đặt bên trong case titanium, với mặt số “Ushio”, khắc họa những làn sóng xanh thăm thẳm, bao bọc bên ngoài là bezel ceramic xanh lam. Chiếc này báo giá 11.000 USD. Đây là một trong những sản phẩm mới nhất của bộ sưu tập Evolution 9, sở hữu những đường nét thiết kế phục vụ thời đại mới.

tinhte-dongho5.jpg

Vẫn là Grand Seiko, với chiếc Tentagraph Chronograph, chiếc đồng hồ bấm giờ máy cơ tự động đầu tiên của Grand Seiko. Trước đó họ mới chỉ ra mắt những mẫu chronograph dựa trên máy Spring Drive, còn Caliber 9SC5 bên trong Tentagraph là máy lên cót tự động, trữ cót 72 giờ, và cho phép lặn sâu 100 mét. Tentagraph là viết tắt của những tính năng trên chiếc đồng hồ bấm giờ case titanium 42mm này: 10 beat một giây, trữ cót ba ngày, và là bộ máy chronograph lên cót tự động.

tinhte-dongho6.jpg

Audemars Piguet có thể không chiếm được cảm tình của các dân chơi với Code 11.59, nhưng Royal Oak của họ thì vẫn cứ là một trong những cỗ máy thời gian được săn đón. Hồi tháng 2, họ giới thiệu chiếc Royal Oak Perpetual Calendar Ultra-Thin 41mm. Tua ngược thời gian về năm 2019, khi ấy AP giới thiệu một phiên bản concept thử nghiệm chất liệu titanium mang tên RD#2 26586IP, kết hợp chất liệu siêu nhẹ từ case đến bracelet với bộ máy lịch vạn niên trên mặt số. Chiếc đồng hồ mới ra mắt đầu năm nay, reference QP 26586TI chính là phiên bản thương mại hóa, giới hạn 200 chiếc của RD#2. Nhờ chất liệu titanium cho cả case lẫn bracelet, toàn bộ chiếc đồng hồ chỉ có trọng lượng 75 gram. Nhưng bên trong thì vẫn là bộ máy Caliber 5133 trữ cót 40 tiếng, lên cót tự động, hiển thị được đủ mọi thông tin thời gian từ thứ ngày tháng, giờ phút, rồi cả năm nhuận và tuần trăng nữa.

tinhte-dongho7.jpg

Nếu thích Tudor, nhưng thấy Pelagos FXD hơi khó tiếp cận, thì Pelagos 39 Titanium cũng đã được giới thiệu. Cái kích thước đường kính case kim loại 39mm chắc chắn vừa tay hơn con số 42mm như những phiên bản Pelagos khác. Được biết chiếc này được làm từ Grade 2 titanium, còn Rolex Yacht-Master là Grade 5. Và như mọi chiếc đồng hồ titanium khác, đầy đủ cả đồng hồ lẫn tất cả những mắt bracelet, trọng lượng của Pelagos 39 Titanium chỉ là 107 gram. Nếu bỏ bớt mắt cho vừa cổ tay, hoặc dùng sang dây cao su, có thể con số này còn giảm nữa. Quan trọng hơn, với cái giá 4.600 USD thì đây là một trong những chiếc đồng hồ xa xỉ dễ tiếp cận hơn hẳn so với những món đồ chơi khác trong bài viết này.

tinhte-dongho8.jpg

Cũng là bàn tay của Gerald Genta vĩ đại, Patek Philippe có Nautilus, Audemars Piguet có Royal Oak, và IWC thì có thiết kế Ingenieur. Năm nay Ingenieur có phiên bản Automatic 40 3 kim 1 lịch, toàn bộ case và bracelet dạng liền khối đều làm từ hợp kim titanium. Mặt số màu xám sáng rất hợp với tổng thể màu xám lì của chất liệu tạo ra lớp vỏ chiếc đồng hồ. Còn điểm nhấn 5 con ốc và mặt số với những dường kẻ tạo ra chiều sâu bên cạnh kim cọc nổi khối vẫn là thứ Ingenieur làm thành công. Dù nó không nổi danh như 5711 hay Royal Oak, nhưng vẫn có một nhóm người hâm mộ riêng. Còn trong khi đó bên trong vẫn là bộ máy Caliber 32111, trữ cót 120 giờ đồng hồ liên tục, kháng nước 100 mét, tạo ra chiếc đồng hồ thể thao tương đối mỏng, 10.7mm.

tinhte-dongho9.jpg

Anh em Việt Nam nhiều người mê Sinn của Đức. Năm nay họ vừa cho ra mắt chiếc T50. Về cơ bản T50 chẳng khác gì chiếc đồng hồ lặn kích thước 41mm U50, khác mỗi chất liệu làm vỏ đồng hồ, Grade 5 Titanium. Thậm chí cũng vẫn là hợp kim titanium, nhưng T50 có một phiên bản màu đồng, tên là Goldbronze LE, nhìn rất bắt mắt. Sinn cho biết, chiếc T50 có khả năng kháng nước 500 mét, thử nghiệm kỹ với tiêu chuẩn lặn DNV Euro, và bezel thì được xử lý “Tegiment” để chống xước tốt hơn, một trong những kỹ nghệ khiến anh em mê những chiếc tool watch của thương hiệu này. Và ở bên trong Sinn T50 là bộ máy Sellita SW 300-1, tần số 4Hz, trữ cót 42 giờ đồng hồ, kháng từ tính theo chuẩn DIN 8309 (4.800 A/m).

tinhte-dongho11.jpg
tinhte-dongho10.jpg

Cũng lâu lâu chưa thấy Omega ra mắt một chiếc đồng hồ chất liệu titanium, kể từ khi chiếc Seamaster Professional phiên bản xuất hiện trong bộ phim 007: No Time To Die được ra mắt. Năm nay Seamaster Aqua Terra Worldtimer, món đồ chơi lạ trong dàn sản phẩm thương hiệu Seamaster của Omega cũng có phiên bản sử dụng case titanium, và viền bezel đánh xước mạ đen, rất đơn giản để tôn cái sự phức tạp, thậm chí có phần rối mắt của cụm chỉ thị giờ quốc tế theo từng thành phố và từng múi giờ ở chính giữa mặt số đồng hồ.

Thứ khác biệt của Aqua Terra Worldtimer chính là mặt số. Thiết kế vành xoay để thay đổi múi giờ không mới, thêm cả bản đồ chạm khắc nổi để hiển thị trực quan vị trí trên trái đất nữa. Nhưng cái lạ của Worldtimer là chỉ có đúng 1 chi tiết sử dụng sơn dầu, đó là chữ London màu đỏ. Còn lại tất cả những chi tiết khác trắng đen và xám đều là laser đốt lên bề mặt dial cũng bằng chất liệu titanium, chứ không phải phủ sơn. Và dĩ nhiên để mặt số GMT hiển thị dễ nhìn, thì kích thước đồng hồ cũng phải lớn, đường kính case 43mm.

tinhte-dongho12.jpg

Rồi tới tháng 7, Citizen cho ra mắt chiếc đồng hồ lặn cổ điển của họ, Promaster Automatic ‘Fujitsubo’, 41mm, case titanium mạ PVD đen, Citizen gọi bằng cái tên Black Super Titanium. Vẫn là khả năng kháng nước ở độ sâu tối da 200 mét, bên trong là bộ máy Citizen 9051, trữ cót 42 giờ đồng hồ, lên cót tự động. Chiếc này được thương hiệu đồng hồ Nhật Bản báo giá 1.195 USD.

tinhte-dongho13.jpg

Hamilton Field Khaki có phiên bản sử dụng chất liệu titanium thì không phải điều mới. Nhưng tháng 8 vừa rồi, thương hiệu đồng hồ Mỹ đã lột xác Field Khaki, nâng cấp cả bố cục mặt số lẫn dây bracelet, và 4 phiên bản sử dụng chất liệu titanium với hai tông màu xám tự nhiên và mạ đen PVD đều có hai lựa chọn đường kính 38 hoặc 42mm. Phiên bản màu tự nhiên có mặt số xanh, nhìn đúng cảm hứng từ những chiếc IWC Pilot, còn phiên bản mạ PVD đen thì mặt số đen với vài chi tiết màu cam như đầu mũi kim giây và vạch chỉ giây xung quanh mặt số.

tinhte-dongho15.jpg

Thiết kế Monaco độc đáo của Tag Heuer năm nay cũng có phiên bản Racing Blue Limited Edition, lấy tông màu xanh lam rất giống những chiếc xe đua người Pháp tạo ra, từ Alpine đến Matra-Simca. Điểm nhấn lớn nhất có lẽ là vạch số 12 giờ và kim giây tông màu xanh cốm rất bắt mắt. Còn bộ vỏ của chiếc Monaco này được làm từ chất liệu titanium grade 2, kháng nước 100 mét, bên trong là bộ máy

tinhte-dongho14.jpg

Gần nhất, Longines Spirit Flyback Chronograph với case titanium Grade 5, đường kính 42mm, dày 17mm. Độ dày lớn cỡ này là vì bên trong chiếc đồng hồ bấm giờ là bộ máy L791.4, có khả năng kích hoạt flyback nhanh, nghĩa là tiếp tục đếm giờ từ con số 0 mà không phải dừng kim giây và trả kim giây về vị trí 12 giờ như chronograph truyền thống. Bên trong chiếc Spirit Flyback Chronograph là bộ máy L791.4 dựa trên máy của ETA, trữ cót 68 giờ đồng hồ, chronograph kích hoạt bằng column wheel, lên cót tự động và lộ đáy để anh em ngắm bộ máy cơ này.
You have successfully subscribed!
This email has been registered