Leica ZM11: Hãng máy ảnh lừng lẫy làm đồng hồ thể thao thì trông thế nào?

Tháng 6 năm 2018, Leica giới thiệu hai chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên của họ, L1 và L2. Nhưng phải đến 2022, hai chiếc này mới được bán ra thị trường với cái giá gần 300 triệu Đồng, với tên thương mại là ZM1 và ZM2. Giữa tháng 10 vừa rồi, ZM11 ra mắt, đánh dấu việc Leica chạy theo xu hướng đồng hồ thể thao dây liền (integrated bracelet) với thân case kim loại, thay vì ứng dụng bộ lug giữ dây như truyền thống.

ZM11 thực sự rũ bỏ được cái khuôn mẫu có phần truyền thống và đậm chất cơ khí của người Đức với ZM1 và ZM2. Có hai phiên bản ZM11, vỏ titanium hoặc thép, đường kính 41mm, với ba lựa chọn mặt số đỏ/đen, đen cà phê hoặc xanh thẫm Midnight Blue cọc số trắng kim loại. Chiếc đồng hồ thể thao này có độ dày 13mm, lug to lug 45.3mm, kháng nước 100 mét, kính sapphire cong phủ AR chống lóa. Rồi đến dây đeo cũng có ba lựa chọn, dây kim loại thép hoặc titanium theo đúng chất liệu làm đồng hồ, dây vải hoặc dây cao su.

tinhte-leica1.jpg

Đến đây phải thừa nhận, thiết kế tối giản nhưng nhã nhặn của Apple Watch rõ ràng đã có tác động lớn đến cách mà nhiều nhà sản xuất đồng hồ cơ thiết kế đường nét sản phẩm của họ. Dưới ống kính macro, Leica ZM11 được giữ ở mức tối giản về chi tiết bên ngoài, từ những đường nét chi tiết của bezel, cho đến góc cạnh của case và lug giữ dây liền thân. Dù nhiều góc cạnh, nhưng ZM11 không có cảm giác khù khoằm gai góc, trái lại tạo cảm giác rất mềm mại.

Và cả ba màu sắc mặt số đều được ứng dụng chung một triết lý thiết kế, những đường cắt dài chạy ngang mặt số. Thiết kế như thế này đã quá quen thuộc trên nhiều chiếc đồng hồ thể thao dây liền. Vì vậy để tạo ra khác biệt và cá tính riêng cho ZM11, Leica chọn cách thay đổi khoảng cách giữa từng đường cắt, và tạo ra điểm nhấn nhờ thay đổi màu sắc của từng đường ngang này. Ví dụ mặt số đen thì đường cắt phủ sơn đỏ, mặt xanh thẫm chải tia thì đường cắt màu đen…


tinhte-leica2.jpg
tinhte-leica3.jpg

Ô lịch ngày kích thước khá lớn ở góc 3 giờ, đương nhiên không lớn như cách những người đồng hương xứ Glashutte, A. Lange & Sohne thiết kế ô lịch ngày, nhưng là đủ để liếc mắt là nhìn được ngày. Rồi dưới sự soi xét của ống kính macro, kim và cọc số thiết kế dù đơn giản nhưng đi theo chủ nghĩa tối đa, kích thước lớn nhất có thể mà không ảnh hưởng tới tổng thể mặt số cũng là một điểm nhấn khác. Rồi xung quanh mặt số lại là viền rehaut trám giữa mặt số và kính sapphire, với dàn vạch số chỉ phút.

tinhte-leica4.jpg

Những chi tiết thiết kế ấy, kết hợp với bộ case đường kính 41mm, bezel mỏng, mặt số với những chi tiết kim cọc lớn, lên tay chiếc này cảm giác khá to. Bù lại, như đã nói, cảm giác trẻ trung và cái chất thể thao của một chiếc integrated bracelet là thứ Leica đã thiết kế một cách thành công với ZM11.

tinhte-leica7.jpg

Lật mặt sau của chiếc đồng hồ, là hai chi tiết có thể coi là xuất sắc nhất mà những nghệ nhân ở Wetzlar tạo ra. Thứ nhất, là bộ máy Leica Calibre LA-3001 lên cót tự động, phát triển chung với Chronode của Thụy Sỹ. Và thứ hai, là hệ thống thay dây Easy Change System. Nếu những hãng đồng hồ Thụy Sỹ bây giờ cứ loay hoay với cái thanh gạt có thể dùng tay không để gỡ springbar, thì người Đức làm ra hẳn một cái công tắc đỏ chót, hệt như cái nút bấm màn trập trên những chiếc máy ảnh của họ tạo ra. Ấn vào, là dây bung ra, cho phép đổi dây mới. Kể cả dây cao su hay dây vải đều có ngàm gia cố bằng kim loại để đảm bảo độ bền của khớp cố định dây đeo:

tinhte-leica5.jpg
tinhte-leica6.jpg

Đó cũng là lý do, ZM11 vừa có giá rẻ hơn, vừa được bán rộng rãi hơn so với ZM1 và ZM2. Kể từ tháng 11, ZM11 sẽ được bán chính hãng tại khoảng một phần ba trong số hơn 100 cửa hàng chính thức của Leica. Rồi từ tháng 1/2024, mọi cửa hàng Leica đều sẽ có ZM11 bán cho khách hàng. Còn về mức giá, so với con số 11.500 USD của ZM1 Monochrom, và 15.500 USD của ZM2 Monochrom, rõ ràng ZM11 “dễ tiếp cận” hơn nhiều: 6.775 USD cho phiên bản thép dây vải, đắt nhất là 8.150 USD cho bản titanium, cả case lẫn bracelet.
You have successfully subscribed!
This email has been registered